Kể chuyện cho bé 4-5 tuổi và bí quyết giúp bé luôn thấy hứng thú
Kể chuyện cho bé 4-5 tuổi mỗi tối trước khi đi ngủ sao cho con hứng thú? Hẳn với một số cha mẹ đây là một câu hỏi lớn. Vì, không phải trẻ nào cũng thích nghe truyện hay đọc sách. 4 – 5 tuổi là độ tuổi mà bé con nhận thức được rất nhiều thứ trong cuộc sống. Ở giai đoạn này, bố mẹ nên nuôi dưỡng nhân cách và trí tưởng tượng cho trẻ. Tập cho con thói quen nghe truyện, nghe đọc sách là rất cần. Điều này sẽ rất có ích cho trẻ. Chúng ta hãy cùng điểm qua bí quyết giúp trẻ thích thú nghe truyện. Cũng như, 3 câu chuyện hay điển hình được đề cập. Qua đó, bố mẹ có thể áp dụng kể cho bé ngay nhé.
1. “Bí quyết” kể chuyện cho bé 4-5 tuổi thú vị dành cho mọi phụ huynh
Kể chuyện cho bé 4-5 tuổi tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Bởi nếu bạn không biết cách kể sẽ khiến con không hứng thú với câu chuyện. Thậm chí con không hứng thú với sách. Đó là chưa nói đến bé trở nên khó chịu và không muốn gần gũi với bố mẹ. Nhất là khi bố mẹ cố gắng lôi kéo con tham gia vào hoạt động này.
Trẻ con luôn luôn thích khám phá những thứ mới mẻ. Nhưng trẻ cũng rất dễ cảm thấy nhàm chán. Cho nên khi kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe, bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều dưới đây để câu chuyện luôn hấp dẫn trẻ.
1.1. Cách diễn đạt khi kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe
Để câu chuyện trở nên hấp dẫn, thú vị đối với trẻ, bậc cha mẹ nên chú ý đến phong cách diễn đạt của mình. Tùy theo nội dung câu chuyện mà bạn dùng giọng điệu vui vẻ, hùng hồn hay trầm lắng…Bạn hãy chọn một giọng điệu phù hợp và đi theo mạch của câu chuyện. Có như vậy mới giữ cho trẻ mạch cảm xúc say mê lắng nghe câu chuyện. Tạo ra những trải nghiệm ly kỳ với những tình tiết hồi hộp và bất ngờ. Điều đó sẽ khiến cho trẻ vô cùng thích thú với câu chuyện bạn đang tập trung kể.
2.2. Hiểu và quan sát con mình
Một trong những điều quan trọng cần lưu ý nhất đó chính là hiểu và quan sát “khán giả nhí” của mình. Từ đó, bạn mới truyền tải đến con mình những thông tin phù hợp. Trước khi kể một câu chuyện, hãy tự hỏi con mình thích gì và thích những thể loại truyện nào? (truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, …). Đúng sở thích sẽ giúp bé thích thú với nội dung câu chuyện hơn.
Ngoài ra, trong quá trình kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe, bố mẹ cũng nên quan sát độ tập trung của con. Đồng thời đặt nhiều câu hỏi ngược lại hoặc sau khi kết thúc mỗi câu chuyện, bố mẹ cần hỏi con “Con cảm nhận như thế nào về câu chuyện trên”; “Con hiểu gì về nhân vật trong truyện” ; “Con thích nhân vật nào” Vì sao?…Để kích thích khả năng tư duy của bé.
2.3. Sử dụng các từ ngữ sáng tạo
Việc tạo điểm nhấn hoặc sử dụng từ ngữ sáng tạo đầy ấn tượng khi kể chuyện cho bé 4- 5 tuổi nghe là việc làm vô cùng cần thiết. Khi bạn kể cho trẻ nghe – điều đó kích thích khả năng học hỏi của bé. “Mẹ ơi từ đó có nghĩa là gì ạ?”. Một câu hỏi vang lên chứng tỏ bé đang chăm chú lắng nghe. Và khả năng đặt câu hỏi để nhận được lời giải đáp của bố mẹ là vô cùng tốt.
Bên cạnh những bí quyết trên thì bố mẹ nên chú ý đến thời gian của câu chuyện. Nếu bạn chọn câu chuyện có nội dung quá dài, lê thê sẽ khiến bé cảm thấy nhàm chán. Cũng như bé dần dần mất hứng thú. Ngoài ra, dù kể chuyện cho bé với mục đích gì đi nữa, bạn cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp và phù hợp với tâm trạng của bé.
2. Top 3 câu chuyện hay dành cho bé 4–5 tuổi
Ngày nay, đa số các bậc phụ huynh đều nhờ đến công nghệ để con dễ dàng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, thiết bị công nghệ như: tivi, điện thoại, một số đồ chơi bằng điện tử chỉ có thể làm thú vui tiêu khiển. Chúng hoàn toàn không có khả năng giúp con ngủ ngon giấc và phát triển toàn diện. Thậm chí những món đồ điện tử còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về lâu dài. Chính vì vậy, kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe mỗi tối là cách tốt nhất để giúp trẻ ngủ ngon và phát triển tư duy.
2.1. Cô bé quàng khăn đỏ – chuyện kể cho bé 4-5 tuổi phổ biến nhất
2.1.1. Tóm tắt câu chuyện
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ, vì vậy mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ. Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô dặn:
– Con đi thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng chó Sói ăn thịt con đấy!
Trên đường đi cô thấy nhiều hoa, nhiều bướm, không nghe lời mẹ dặn cô tung tăng trên con đường đó. Đi được một quãng thì gặp Sóc, Sóc nhắc:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, lúc này tôi nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà?
Cô bé không trả lời Sóc và tiếp tục đi đường rừng để hái hoa, bắt bướm.
Cô bé quàng khăn đỏ gặp Sói
Vào đến cửa rừng, cô gặp một con chó Sói rất to, đứng trước mặt cô và nó cất giọng:
– Này cô bé đi đâu thế?
Nghe Sói hỏi, cô bé sợ lắm nhưng cũng đành mạnh dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô nói sang nhà bà ngoại, Sói nghĩ bụng: À thì ra nó có cả bà ngoại nữa, thế mình ăn cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên Sói hỏi lại:
– Nhà bà ngoại cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.
Sói đến nhà bà ngoại của cô bé quàng khăn đỏ trước
Nghe xong Sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô. Nó đẩy cửa vào và nuốt chửng bà ngoại vào bụng. Xong xuôi nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc cô bé đến thấy chó Sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” ốm thật nên hỏi:
– Bà ơi! Bà bị ốm lâu chưa ạ?
Sói không trả lời giả vờ rên hừ…hừ…
– Bà ơi! Mẹ cháu bảo cháu mang bánh sang biếu bà.
– Thế à, thế thì bà cảm ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô ngạc nhiên lùi lại hỏi:
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói rõ hơn. Sói đáp.
– Sao mắt bà to thế?
– Mắt bà to để nhìn cháu rõ hơn.
Chưa tin, cô bé hỏi lại:
– Sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để ăn thịt cháu dễ hơn.
Nói dứt lời, Sói vùng dậy nuốt chửng cô bé quàng khăn đỏ vào bụng. Sói no nê nằm giữa nhà gáy o…o…
Bác thợ săn cứu hai bà cháu
Đúng lúc ấy, bác thợ săn đi qua. Nghe thấy tiếng gáy o o, bác thợ săn nghĩ không phải tiếng bà cụ nên đẩy cửa vào thì thấy Sói nằm lăn ra ngủ. Bác thợ săn định bắn nhưng nghĩ ra chắc nó đã ăn thịt bà cụ rồi nhưng vẫn có thể cứu được bà. Bác thợ săn nghĩ vậy nên rạch bụng Sói, khi mới rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn đỏ chóe. Rạch được một đường nữa thì cô bé quàng khăn đỏ nhảy ra, tiếp theo là bà cụ chui ra từ bụng Sói thở hổn hển. Cô bé vội nhét đá vào đầy bụng Sói. Sói tỉnh giấc nhảy lên nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống.
2.1.2. Ý nghĩa của câu chuyện
Trong truyện cô bé không nghe lời mẹ dặn suýt nữa đã hại mình và bà ngoại. Câu chuyện cô bé quàng khăn đỏ dạy con phải biết vâng lời ông bà, cha mẹ và không được đi la cà, đi đến nơi về đến chốn. Ngoài ra, truyện cổ tích quàng khăn đỏ cũng nêu tấm gương người tốt việc tốt (bác thợ săn) và phê phán kẻ xấu (con Sói).
2.2. Chú Thỏ thông minh
2.2.1. Nội dung câu chuyện
Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ con thông minh sống cùng mẹ. Ngày ngày, Thỏ con thường tung tăng chạy ra bờ sống uống nước. Trước khi đi, bao giờ Thỏ mẹ cũng nhắc:
– Con phải cẩn thận nhé vì Cáo hay ra sông dạo chơi lắm đấy!
Một ngày nọ, vừa mới cúi xuống uống no bụng nước, Thỏ con ngẩng bất ngờ lên thấy Cáo đang đứng gần mình và tỏ ra thân thiện:
– Chào Thỏ con, lên lưng anh cõng vào rừng hái nấm và hoa nào!
Thỏ con nhanh trí chạy thoát khỏi cáo
Thỏ con chần chừ nhìn Cáo. Chợt nhớ lời mẹ dặn, Thỏ con nhanh trí giả vờ hào hứng đáp lời:
– Ôi thế thì thích quá anh Cáo ơi, chờ em về nhà lấy mũ đội che nắng đã nhé!
Nói rồi Thỏ con nhanh nhẹn chạy ù về nhà. Thỏ con kể lại chuyện gặp Cáo cho mẹ nghe. Thỏ mẹ ôm con vào lòng, khen con thông minh và nhanh trí.
Trong lúc ấy, ở ngoài bờ sông, con Cáo gian ác và ngờ nghệch vẫn đứng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy Thỏ trở lại. Cuối cùng, khi ông mặt trời đi ngủ, nó không thể chờ đợi được nữa nên đành ôm cái bụng đói lui thủi đi về rừng.
2.2.2. Ý nghĩa câu chuyện
Truyện chú Thỏ thông minh là một trong những truyện cổ tích hay, thú vị mà bố mẹ nên kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe. Thông qua câu chuyện giúp bé rèn luyện trí thông minh và bình tĩnh xử lý trước những khó khăn của trẻ.
2.3. Kiến và Châu Chấu
2.3.1. Tóm tắt câu chuyện
Vào một ngày hè nắng chói chang và gió thổi mát rượi, một chú Châu Chấu Xanh nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng chú ca hát ríu ra ríu rít.
Bỗng chú bắt gặp bạn Kiến đi ngang qua, bạn ấy đang cõng lưng một hạt ngô để tha về tổ.
Châu Chấu cất giọng rủ rê: Bạn kiến ơi, thay vì làm việc cực nhọc, chi bằng bạn hãy lại đây trò chuyện và đi chơi thỏa thích cùng tớ đi.
Kiến trả lời: Không, tớ bận lắm, tớ còn phải đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông sắp tới. Bạn cũng nên làm việc đi bạn Châu Chấu ạ.
Còn lâu mới tới mùa đông, bạn chỉ khéo lo xa. Châu Chấu mỉa mai.
Kiến dường như không quan tâm đến những lời của Châu Chấu Xanh
Kiến tiếp tục tha mồi về tổ một cách chăm chỉ và cần mẫn.
Thế rồi mùa đông lạnh lẽo cũng tới. Thức ăn trở nên khan hiếm, Châu Chấu Xanh vì mải chơi không chuẩn bị lương thực nên giờ sắp kiệt sức vì đói và rét. Còn bạn Kiến của chúng ta thì có một mùa đông no đủ với một tổ đầy những ngô, lúa mì mà bạn ấy chăm chỉ tha về suốt cả mùa hè.
2.3.2. Ý nghĩa câu chuyện
Câu chuyện Kiến và Châu Chấu dạy bé về sự chăm chỉ, cần cù để chuẩn bị cho tương lai sắp tới. Bố mẹ có thể nhắc nhở con, muốn cuộc sống của con sau này được tốt đẹp, con phải chăm chỉ học hành từ khi còn nhỏ.
Kể chuyện cho bé 4-5 tuổi nghe là một nghệ thuật mà không có món đồ công nghệ nào có thể thay thế được. Việc làm này không chỉ kích thích trí tưởng tượng, giúp bé trao dồi vốn từ vựng mà là khoảng thời gian quý giá để bố mẹ gần gũi con hơn. Bé từ 4-5 tuổi là giai đoạn phát triển tư duy rất muốn khám phá. Bé có vô vàn câu hỏi muốn hỏi bố mẹ. Cho nên kể chuyện cho bé ngủ ngon ngoài lợi ích giúp bé dễ đi vào giấc dễ dàng, còn bao lợi ích khác nữa. Do đó, bố mẹ hãy kể chuyện con nghe mỗi tối nhé.
Tuyết Nhi