Bí quyết giúp con cứng cáp hơn
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cơ và xương để giúp bé cứng cáp hơn. Đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bé, giúp bé tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch và không bị thiếu canxi. Do đó, theo lời khuyên của các bác sĩ, muốn bé trở nên cứng cáp hơn trẻ cần được bú mẹ sớm và bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tốt nhất kéo dài đến 18 – 24 tháng tuổi.
Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, bên cạnh sữa mẹ và sữa ngoài, mẹ nên bổ sung các thực phẩm tốt cho xương bé như: Hải sản, thịt bò, đậu, rau màu xanh đậm, sữa chua, phô mai… Các thực phẩm này có tác dụng cung cấp một lượng canxi, kẽm, magie và các khoáng chất tự nhiên tốt nhất cho sự phát triển cơ thể bé.
2. Bổ sung vitamin D và canxi
Trong những năm đầu đời, vitamin D có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển khung xương và răng của trẻ bằng cách tham gia vào việc thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi, photpho ở khung xương, ruột và thận, cải thiện quá trình tổng hợp và bài tiết nội tiết tố của các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Còn canxi mang yếu tố quyết định đến việc phát triển chiều cao, độ cứng của xương cũng như sức khỏe của bé.
Nếu không được cung cấp đầy đủ vitamin D và canxi sẽ dẫn đến việc xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, không phát triển bình thường từ đó làm cho xương biến dạng, bé còi xương, chậm lớn và có sức đề kháng và miễn dịch kém.
Mẹ có thể bổ sung vitamin D và canxi cho bé thông qua thực phẩm như: Trứng, sữa, rau xanh đậm (rau cải, rau chân vịt, súp lơ xanh). Ngoài ra, việc tập cho bé vận động ngoài ánh nắng, tắm nắng vào buổi sáng và buổi chiều tối cũng góp phần bổ sung vitamin D và canxi tự nhiên một cách hiệu quả.
Trong trường hợp, nếu trẻ có dấu hiệu thiếu canxi và vitamin quá trầm trọng, mẹ có thể cho bé uống thuốc theo sự tư vấn và chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ cần chú ý sau một thời gian cho bé uống thuốc mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ và nếu cần thiết có thể cho trẻ xét nghiệm để biết mức canxi trong máu và quyết định uống thêm hay tạm dừng khi đã bổ sung đủ.
3. Massage
Ngay từ khi sinh ra, được khoảng 3 – 4 tuần mẹ có thể cho bé tập làm quen với một số động tác massage nhẹ nhàng. Theo nhiều nghiên cứu, massage không chỉ giúp bé cảm thấy toàn thân được thoải mái, thư giãn mà còn giúp máu lưu thông tốt, chân và tay được cứng cáp linh hoạt hơn.
Để việc massage thực sự có hiệu quả, mẹ nên xác định được thời điểm phù hợp để tiến hành massage cho bé. Mẹ chỉ nên thực hiện khi bé có tâm trạng thoải mái, vui vẻ và massage lần lượt các bộ phận trên cơ thể từ vai, lưng, đùi, bàn chân, ngón chân rồi lên tay và bụng.
Mẹ cũng tuyệt đối không nên massage cho trẻ lúc trẻ đang khó chịu, đang đói hoặc khi còn no.
4. Khuyến khích trẻ vận động
Vận động không chỉ giúp bé có được sự linh hoạt, nhanh nhạy cho hệ vận động mà còn cho cả sự phát triển trí não. Vận động nhiều đồng nghĩa với việc bé sẽ khám phá được thêm nhiều thứ thú vị diễn ra xung quanh. Từ đó giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của bé.
Đặc biệt, trong quá trình vận động hệ cơ xương của các bộ phận trên cơ thể bé cũng được hoạt động một cách tối đa. Việc đó giúp cho bé có được sự cứng cáp, dẻo dai và khỏe mạnh nhiều hơn. Ngoài ra, việc vận động nhiều, nhất là khi cho bé vận động ngoài trời còn giúp bé có được sức đề kháng tốt, nâng cao hệ miễn dịch và dễ dàng thích nghi khi thay đổi mỗi trường sống.
Hạnh Phúc